Với 29/31 khu công nghiệp (KCN) đã có dự án đi vào hoạt động, mỗi ngày có hàng chục ngàn m3 nước thải được xả ra môi trường từ hoạt động sản xuất của các nhà máy, doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Để giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn nước xả thải ra môi trường, tránh nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Đồng Nai đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các trạm quan trắc nước thải tự động.
Tự động hóa giám sát nguồn nước thải
Theo Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT), ở 29 KCN có dự án hoạt động, tổng lượng nước thải bình quân trong 1 ngày đêm lên đến 70.000m3. Đó là con số rất lớn. Để kiểm soát chất lượng nguồn nước thải trên, trước đây các chủ đầu tư KCN đã đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc tại 17 KCN. Tuy nhiên, do mỗi KCN chọn lựa nhà thầu khác nhau nên việc kết nối dữ liệu với Sở TN-MT chưa đồng bộ, gây khó khăn trong việc theo dõi, giám sát. Mặt khác, các trạm này chỉ quan trắc chủ yếu 4 thông số (pH, COD, TSS, DO) do đó, hiệu quả của các trạm quan trắc do doanh nghiệp đầu tư phản ánh chưa thật chính xác chất lượng nước thải của KCN.
Để khắc phục hạn chế nói trên, từ năm 2011, Đồng Nai đã có chủ trương đầu tư, lắp đặt các trạm quan trắc nước thải tự động tại các KCN đã lấp đầy trên 50% diện tích. Trên cơ sở đó, đến tháng 9/2013, tỉnh đã đầu tư lắp đặt 13 trạm quan trắc nước thải tự động tại 13 KCN (với 7 thông số: nhiệt độ, pH, DO, TSS, amoni, nitrat, COD). “Các thiết bị tại các trạm quan trắc nước thải tự động được đầu tư đồng bộ nhập về từ CHLB Đức với kinh phí khoảng 78 tỷ đồng (bình quân 6 tỷ đồng/trạm), kinh phí vận hành khoảng 500 triệu đồng/trạm/năm”, Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Thường cho biết.
Ông Tống Thành Trung, Phó phòng Hiệu chuẩn thiết bị, Trung tâm Quan trắc và kỹ thuật môi trường (Sở TN-MT) cho biết, việc đưa vào sử dụng và vận hành các trạm quan trắc nước thải tự động đã giúp cho quá trình kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải được thực hiện một cách liên tục. “Trước đây khi chưa có các trạm quan trắc nước thải tự động, việc kiểm soát chất lượng nước thải chỉ trông chờ vào 1 đến 2 lần kiểm tra định kỳ trong tháng cộng với các cuộc kiểm tra đột xuất. Do đó, tính liên tục trong việc giám sát là không có”, ông Trung cho biết.
Theo ông Trung, sau khi các trạm quan trắc nước thải tự động, cùng hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động đi vào hoạt động đồng bộ đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác kiểm soát ô nhiễm nước thải tại các KCN nói riêng và công tác quản lý môi trường nói chung. “Hệ thống các trạm quan trắc nước thải tự động thông báo kết quả liên tục 5 phút/lần về Trung tâm tích hợp dữ liệu tại Sở và phần mềm tự động lọc, xử lý và cập nhật thông tin quan trắc 30 phút/lần vào cơ sở dữ liệu của Sở. Nếu có thông số nào đó vượt ngưỡng cho phép, hệ thống sẽ cảnh báo bằng email, nếu quá 3 lần cảnh báo thì các trạm quan trắc sẽ tự động lấy mẫu và lưu lại tủ lưu mẫu của trạm. Sau đó, Trung tâm sẽ cử người xuống kiểm tra”, ông Trung chia sẻ về quy trình hoạt động của các trạm quan trắc nước thải tự động.
Sẽ tiếp tục lắp đặt 6 trạm quan trắc mới
Theo ông Nguyễn Ngọc Thường, bên cạnh việc giúp cho quá trình kiểm soát chất lượng nguồn nước thải tại các KCN được diễn ra liên tục, việc lắp đặt và đưa vào vận hành các trạm quan trắc nước thải tự động đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị quản lý hạ tầng và các doanh nghiệp tại các KCN. “Các doanh nghiệp đã quan tâm, chú trọng công tác vận hành hệ thống xử lý nước thải, tình trạng xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường giảm hẳn, tỷ lệ KCN xử lý nước thải đạt chuẩn ngày càng được nâng lên. Cụ thể, năm 2009 chỉ đạt 47,6%; năm 2011 đạt 85%, đến tháng 6-2015, tỷ lệ KCN xử lý nước thải đạt chuẩn trên địa bàn tỉnh đạt 91%”, ông Thường cho biết.
Mặt khác, việc đầu tư các trạm quan trắc nước thải tự động tại các KCN đã đem lại những hiệu quả về môi trường và xã hội, tiết kiệm được thời gian, nhân lực trong việc thanh tra, kiểm tra. Số liệu quan trắc được từ các trạm quan trắc nước thải tự động là nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác quản lý, xử lý về môi trường. Đồng thời, giúp chủ đầu tư các KCN, các chủ nguồn thải tự xem xét lại việc vận hành hệ thống xử lý nước thải và quản lý việc xả thải của các cơ sở hoạt động trong các KCN.
Với những ưu điểm trên, trong năm nay, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư lắp đặt thêm 6 trạm quan trắc nước thải tự động với kinh phí hơn 30 tỷ đồng để quan trắc cho 5 KCN. Như vậy, đến cuối năm nay, trên địa bàn tỉnh sẽ có 19 KCN được lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động để giám sát chất lượng nước thải của 21 KCN (1 trạm sử dụng chung cho KCN Biên Hòa 1 và KCN Biên Hòa 2; 1 trạm sử dụng chung cho KCN Nhơn Trạch 2 và KCN Nhơn Trạch 2 - Lộc Khang).
Như vậy, hiện toàn tỉnh còn 10 KCN chưa có trạm quan trắc nước thải tự động (do lượng nước thải tiếp nhận chưa đủ để vận hành hệ thống xử lý nước thải). Theo Sở TN-MT, với mục tiêu phát triển bền vững, UBND tỉnh cũng đã có chủ trương đầu tư lắp đặt các trạm quan trắc nước thải tự động đối với các KCN này khi tiếp nhận lượng nước thải ổn định (đạt tỷ 50% công suất thiết kế của các khu xử lý nước thải tập trung xây dựng tại mỗi KCN) để kiểm soát môi trường.